Lần đầu sống thử: người yêu hoá người nhà
Thông thường, chu kỳ kinh kéo dài khoảng 28 ngày, nhưng cũng có thể ngắn hơn hoặc dài hơn, từ 21 - 40 ngày. Chu kỳ ở mỗi người khác nhau, được tính từ ngày đầu hành kinh đến ngày đầu tiên của lần tiếp theo.
“Ăn chay” ba năm, Nhật bắt đầu sang nhà tôi ngủ lại. Cứ mỗi lần như thế, anh để lại một bộ quần áo. Đến một ngày, Nhật sang nhà tôi chơi và không về nữa.
Mãi đến khi lên đại học, tôi mới nếm trải được tình yêu đầu đời. Nhật và tôi đều là những người từ quê lên thành phố, phải ở nhà thuê và sống xa gia đình. “Ăn chay” ba năm, Nhật bắt đầu sang nhà tôi chơi rồi ngủ lại. Cứ mỗi lần như thế, anh để lại một bộ quần áo.
Đến một ngày, Nhật sang nhà tôi chơi và không về nữa. Thế là chúng tôi chung sống (hạnh phúc) bên nhau từ đấy...
Lần đầu vào nhà - Lần đầu "vào nhà"
Phải đến khi Nhật chuyển hẳn vào ở cùng tôi, chúng tôi mới bắt đầu quan hệ. Lần đầu ấy cũng là lần đầu của hai đứa.
Trải nghiệm tình dục đầu tiên của tôi khá giống như những gì mà người ta thường nói về lần đầu: đau điếng người, và thử vài lần thì mới vào hẳn được. Dù có ngại, tôi vẫn thẳng thừng nói Nhật: “Em đau quá, thôi lần sau thử lại anh nhé.” Nhật không quên vỗ về tôi, dù với anh đây cũng là những điều rất mới mẻ.
Là lần đầu của nhau, tình dục trông như một “bộ môn” mà chúng tôi cùng nhau học vỡ lòng. Chúng tôi học về những điều cơ bản, về những lưu ý khi làm tình, về sức khoẻ và cơ thể của nhau.
Lần đầu học cách sống cùng nhau dưới một mái nhà, tôi và Nhật còn được học cách sống trong những “ngôi nhà” của nhau—về những ngóc ngách, khu vực, công tắt và lối đi.
Sống thử cũng có những lầm tưởng của nó
Sống thử thường hay được gán ghép với những hình ảnh như “một túp lều tranh, hai trái tim vàng,” những mâm cơm đầy ắp tình yêu và những buổi tối vô cùng lãng mạn. Đến khi thật sự sống thử, Nhật và tôi biết đây chính là cơ hội để kiểm chứng những lời đồn này. Và sự thật là: những điều trên hoàn toàn sai bét!
Ở chung nhà không có nghĩa là phải cơm canh thịnh soạn; có những lúc chúng tôi ăn đơn giản vì đói. Ở chung nhà không có nghĩa là tối nào cũng trở nên thơ mộng; nhiều lúc công việc chất đống, chúng tôi chỉ có cắm mặt vào máy và tạm quên sự tồn tại của nhau.
Ở chung nhà cũng không có nghĩa là chúng tôi phải kè kè bên nhau 24/7; những lúc cần ở một mình, tôi đuổi Nhật ra phòng khách và lấy phòng lại cho riêng mình.
Hoá ra, có những điều về việc sống thử rất đỗi bình thường, nhưng lại bị phóng đại bởi văn chương và phim ảnh. Khi một trải nghiệm bị tô hồng quá mức, chúng ta lại khó học và chấp nhận thực tế hơn. Tình dục, hoá ra, cũng là một phần trong số đó.
Khi đã ở chung nhà, tình dục không phải lúc nào cũng có nến và hoa. Làm tình trong nhà tắm không vui đến thế. Làm tình vào buổi sáng thật ra thích hơn. Và chắc chắn là không phải “sàn nào cũng nhảy”; bếp là vùng cấm của chúng tôi. (Cả hai không ai muốn thêm dầu vào lửa.)
Sống thử cần nhiều hơn tình yêu
Sau khi tốt nghiệp, tôi tìm được công việc trước Nhật, nên phần tài chính của tôi cũng ổn định hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi phải chi trả nhiều hơn cho cả hai. Nhật đôi lúc sẽ kiếm được thu nhập từ việc freelance, nên anh cố gắng góp tháng nào hay tháng đấy.
Thời gian này, tôi cũng khá lo lắng vào những lúc mình cần như cạn tiền. Tôi đôi lần tự hỏi liệu mình sẽ phải gánh vác trách nhiệm này lâu dài hay không. Nhưng cũng vào đôi lần đấy, tôi cố gắng không chia sẻ với Nhật, bởi tôi không muốn anh cảm thấy tự ái. Nhưng trên hết, tôi tự nhủ rằng đây chỉ là một giai đoạn, và giai đoạn nào cũng sẽ có điểm dừng. Và đúng là như vậy.
Đến lúc cả hai ổn định hơn, Nhật bắt đầu cùng tôi vượt qua những gánh nặng về tài chính. Chúng tôi cũng bắt đầu rạch ròi hơn về việc ai chi trả cho khoản nào. Tất nhiên, tôi vẫn cố gắng giữ trách nhiệm của một người chủ nhà. Tôi không ép Nhật phải chi tiền cho những thứ trong nhà. Nhưng Nhật vẫn luôn chủ động hỗ trợ tôi trong việc sửa chữa nhà cửa hoặc mua lại nội thất mới.
Tôi nhận ra rằng, sau cùng thì đồng tiền nào kiếm được cũng sẽ tiêu đi, chỉ có Nhật là luôn ở đó. Tôi nghĩ mình sẵn sàng chi trả cho người mình yêu thương không phải vì đó là trọng trách, mà chỉ đơn giản là vì tôi cũng muốn họ có cuộc sống đủ đầy. Tôi biết mình không cần gì quá nhiều ở Nhật — chỉ cần anh cho tôi sự tin tưởng, niềm an tâm và tình yêu là đủ.
Tìm hiểu nhau theo những cách khác
Khi tình yêu bắt đầu có tình dục, tôi và Nhật được thấy những phiên bản mà chỉ hai chúng tôi biết. Việc sống chung với nhau cũng tương tự. Sống gần Nhật, tôi được nhìn thấy những phiên bản “trần trụi" nhất của anh: khuôn mặt vật vờ khi vừa ngủ dậy, ăn tráng miệng trước khi ăn cơm, và sự xuề xoà khác xa với vẻ ngoài lịch lãm mà tôi biết trước đây.
Chúng tôi cũng bắt đầu thoả hiệp với nhau từ những điều nhỏ xíu: đã mấy năm rồi Nhật không ăn ớt chuông vì tôi không thích; Nhật trở thành người kiên nhẫn hơn vì tôi chọn quần áo quá lâu; tôi cũng dần ngưng càm ràm về việc anh không lộn tất lại khi đem giặt.
Tôi biết nhiều người do sống không hợp nhau mà dẫn đến tan vỡ. Nhưng tôi nghĩ, sống cùng nhau không phải là gộp hai cuộc sống riêng lại làm một, mà là cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới. Ở bên nhau càng lâu, ta lại càng có thêm thời gian để tạo ra một không gian sống chung phù hợp người còn lại.
Để đến khi về chung một nhà, ta sẽ không còn chỉ thấy nhau qua những lần ăn uống, đi chơi, mà qua cả những lần nấu cơm, giặt giũ, dọn nhà, chăm cây. Nhật làm việc, Nhật khi đi chơi, Nhật khi ở nhà — dù là phiên bản nào đi nữa, đó cũng là Nhật của tôi.
Ở nhà, Nhật là một người dễ tính và khá xuề xoà, trong khi tôi lại rất kỹ tính. Nhưng với tôi, sự xuề xoà ấy mới là những điều khiến tôi cảm thấy như đang ở nhà. Ở với Nhật càng lâu, tôi càng biết cách thương anh như một người nhà hơn là người yêu.
Chia sẻ: